Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị đầy hơi chướng bụng

Trẻ bị đầy hơi chướng bụng khiến cha mẹ lo lắng không biết xử trí sao, nếu tình trạng này cứ kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ đầy hơi chướng bụng và những lưu ý gì khi trẻ mắc phải chứng bệnh này?

Nguyên nhân khiến trẻ bị đầy hơi chướng bụng

Trẻ bị đầy hơi chướng bụng do ăn phải thức ăn không phù hợp với độ tuổi. Chẳng hạn như trẻ còn nhỏ mà cha mẹ đã cho ăn dặm quá sớm hoặc cho trẻ ăn cơm sớm khi chưa mọc đủ răng hàm, cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu khiến hệ tiêu hóa non yếu của trẻ không có đủ men tiêu hóa để chuyển hóa được các loại thức ăn này gây nên tình trạng ứ đọng, vi khuẩn sẽ lên men và sinh hơi làm bụng trẻ chướng căng.

Trẻ bị đầy hơi chướng bụng do cha mẹ cho ăn quá nhiều vào một bữa hoặc các bữa quá gần nhau khiến dạ dày trẻ bị quá tải, lượng thức ăn cũ chưa tiêu hóa hết đã phải nhận thêm thức ăn mới làm ứ đọng, đầy hơi, chướng bụng, có thể khiến trẻ bị nôn trớ.

Do trẻ ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, không hợp vệ sinh làm cơ thể bị nhiễm khuẩn gây viêm ruột, tiêu chảy, nôn ói. Vi khuẩn trong thức ăn bị nhiễm khuẩn tiếp tục lên men, sinh hơi trong ruột gây nên tình trạng đầy hơi chướng bụng.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị đầy hơi chướng bụng

Lưu ý đến lượng thức ăn phù hợp cho từng trẻ

Với trẻ sơ sinh, các mẹ có thể cho bú từ 8 – 14 cữ mỗi ngày và các cữ sữa tùy thuộc vào nhu cầu của từng trẻ

Với trẻ 5 – 6 tháng tuổi, các mẹ nên tập cho bé ăn dặm với các loại bột ngũ cốc hoặc bột sữa. Lượng thức ăn tăng dần lên và thay thế cho các cữ sữa.

Từ khoảng 6 – 8 tháng tuổi cho trẻ ăn 2 nửa chén bột mỗi ngày với đầy đủ bốn nhóm thực phẩm bột, đạm, rau, dầu cùng với 5 – 6 cữ sữa.

Trẻ sau 8 tháng tuổi có thể tập cho trẻ ăn cháo, hơn 1 tuổi có thể ăn bún, phở…, 2 tuổi thì có thể cho ăn cơm cùng với 3 – 4 cữ sữa mỗi ngày. Nếu trẻ ăn hết một chén cháo khoảng 200ml thì phải đợi 2 đến 3 tiếng sau mới nên cho bé ăn hoặc bú tiếp một cữ khác. Nếu trẻ ăn ít quá thì phải cho trẻ ăn thêm một loại thức ăn khác như sữa chua, kem hoặc uống thêm sữa cho no bụng.

Trên ba tuổi các bữa chính của trẻ trong ngày phải có cơm hoặc mì, phở…và thêm 3 cữ sữa mỗi ngày.

Lưu ý đến giờ ăn của trẻ bị đầy hơi sao cho hợp lý

Giờ giấc cho trẻ ăn cũng cực kỳ quan trọng, nó cũng là nhân tố ảnh hưởng đến chứng đầy hơi chướng bụng của trẻ mà cha mẹ nên lưu ý. Tùy vào từng trẻ mà giờ giấc cho trẻ ăn cũng thay đổi cho phù hợp. Nếu các cữ ăn hoặc cữ bú của trẻ quá gần khiến thức ăn của bữa trước chưa được tiêu hóa hết thì đã tiếp nhận thêm thức ăn của bữa này gây nên tình trạng dồn ứ, lên men, sinh hơi gây nên tình trạng đầy hơi chướng bụng, biếng ăn, nôn trớ ở trẻ.

Mẹ không nên ép trẻ ăn quá nhiều so với sức chứa của bao tử như vậy khiến trẻ khó chịu và có thể tự động nôn ra. Thêm vào đó, các mẹ nên cho trẻ ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày sau khi trẻ thức dậy 30 phút, bữa kế tiếp cách bữa đầu khoảng 2 -3 tiếng và đổi món so với bữa trước.

Go Top GoTop