Chế độ dinh dưỡng cho người suy thận mạn phải lọc máu

Dinh dưỡng đúng giúp làm chậm tiến triển của bệnh, duy trì các hoạt động sinh lý trong cơ thể, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người suy thận.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết, suy thận có thể gây ra các biến chứng như tăng huyết áp, suy tim, phù phổi, tai biến mạch máu não…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.

Đối với một số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, giải pháp lý tưởng nhất là ghép thận mới để thay thế thận cũ đã hỏng hoàn toàn. Song vì nhiều lý do, chỉ một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có được may mắn đó. Số đông còn lại phải lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng trong suốt quãng đời còn lại để tiếp tục sống.

Bệnh nhân Trần Trung Hiếu (Phủ Lý, Hà Nam) cũng nằm trong số đông này. “Cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn kể từ khi phát hiện mình bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Sau thời gian suy sụp, tôi bắt đầu lấy lại tinh thần để kéo dài thời gian sống cho chính mình. Tôi bắt đầu đến bệnh viện để lọc máu, mỗi ngày uống thuốc đều và tập thể dục theo chỉ định của bác sĩ. Các bữa ăn đều phải kiêng đồ mặn, đồ có nhiều đường và kiêng nhiều loại thức ăn khác nữa”, anh Hiếu kể.

Bệnh nhân lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng để tiếp tục sống.

Theo bác sĩ Vi, ngoài việc chấp hành đúng chỉ định của bác sĩ, thì dinh dưỡng có vai trò sống còn đối với bệnh nhân suy thận mạn. Đó là một phần của quá trình điều trị, giúp bệnh nhân tránh biến chứng của bệnh, duy trì các hoạt động sinh lý của cơ thể, tăng cường sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Riêng người suy thận mạn có lọc máu ngoài thận, cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng dưới đây:

Nhu cầu dinh dưỡng

Đạm: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần 1,2g đạm, còn bệnh nhân lọc màng bụng cần 1,2-1,5g đạm trên một kg trọng lượng mỗi ngày. Khẩu phần đảm bảo 50% lượng đạm có nguồn gốc động vật, giàu acid amin thiết yếu.

Năng lượng: Khẩu phần ăn cần đáp ứng đủ năng lượng, ít nhất đạt 35-40kcal trên mỗi kg một ngày.

Ngoài ra, cần đủ vitamin và các yếu tố vi lượng; uống ít nước, hạn chế natri, kali, phosphat nhưng giàu canxi; lượng nước đưa vào kể cả ăn uống khoảng 300ml mỗi ngày. Tùy theo diễn biến của bệnh mà điều chỉnh nhu cầu ăn.

Thực phẩm cần tránh

Nhiều kali: Nho khô, chuối khô, thanh long, bơ, rau lá xanh đậm (ngót, đay, dền, muống…), nấm mèo, các loại đậu…

Giàu đường: Bánh mì trắng, khoai tây, bánh kẹo ngọt…

Nhiều photpho: Tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, thịt bò…

Nhiều muối: Muối, mắm, cá khô, tôm khô, mì ăn liền…

Thực phẩm nên chọn

Nhiều đạm: thịt, cá, thịt gia cầm hay trứng. Lượng đạm phụ thuộc vào số lần lọc máu mỗi tuần.

Đồ nướng, hấp, ninh, hầm: Nên dùng thay cho các đồ chiên, rán.

Chất bột đường ít đạm: Gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún, phở…

Chất đạm có giá trị sinh học cao: Thịt, cá, trứng và các loại sữa giảm đạm.

Chất béo: Dầu thực vật, dầu mè, dầu đậu nành, dầu ôliu hoặc mỡ cá.

Gia vị: Nêm ít muối

Sữa: Nên dùng sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân suy thận đã lọc máu, có thành phần phù hợp với yêu cầu dinh dưỡng của người bệnh, không ảnh hưởng đến hoạt động của thận

 

Nguồn:http://suckhoe.vnexpress.net

Go Top GoTop